Slides Framework




    • GỬI LIÊN HỆ

    • Trường Cao Đẳng Du Lịch Sài Gòn

      Trụ sở chính: 347A Nguyễn Thượng Hiền, Phường 11, Quận 10,
      Tp.HCM

      Điện thoại: (028) 3834 4856 – (028) 6297 3210 – (028) 6297 3211

      Cơ sở Kỳ Đồng: 20/11C Kỳ Đồng, Phường 9, Quận 3, Tp.HCM

      Điện thoại: (028) 7105 6879 –  (028) 7102 6879

      Email: tuvantuyensinh.dlsg@gmail.com

      Hotline: 0988 575 086 – 0906 776 471 – 0906 783 686

      Thời gian: 7:00 AM đến 21:00 PM

    Tin tức

    Phỏng vấn Cựu sinh viên – Chị Trần Thị Trang Thư: Một nghề. Một trường. Một công ty

    Mang ơn cô Bội Quỳnh Trần Thị Trang Thư là cựu học viên khóa 28 (1995-1998). Cách đây hơn hai mươi năm, Trang Thư đang là cộng tác viên tiếng Nhật của Vietravel. Ngoại ngữ để làm thông dịch viên, nhưng để trở thành hướng dẫn viên thì Trang Thư vẫn còn một khoảng cách. […]

    Mang ơn cô Bội Quỳnh

    Trần Thị Trang Thư là cựu học viên khóa 28 (1995-1998). Cách đây hơn hai mươi năm, Trang Thư đang là cộng tác viên tiếng Nhật của Vietravel. Ngoại ngữ để làm thông dịch viên, nhưng để trở thành hướng dẫn viên thì Trang Thư vẫn còn một khoảng cách.

    Vào học trường Du lịch là cách duy nhất để san bằng khoảng cách.

    Theo lời kể của chị Trang Thư, danh tiếng của trường Đào tạo nghiệp vụ Du lịch Sài Gòn (nay là Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn) dù thành lập chỉ mới vài năm nhưng đã “hữu xạ tự nhiên hương”. Nhiều người chưa kịp ra trường thì đã có những nơi tìm đến để “đặt sẵn” chỗ làm việc.

    Trong lớp K28 (số chẵn là ký hiệu lớp hướng dẫn bằng các ngoại ngữ: Pháp, Nhật, Hoa, Đức, trong khi số lẻ là ký hiệu lớp hướng dẫn bằng tiếng Anh), tổ tiếng Nhật khoảng 5-6 học viên. “Lúc đó, thầy Tống Kim Hoa phụ trách tổ, vốn tri thức của thầy về lịch sử, văn hóa nước Nhật rất dồi dào. Ngoài việc giảng dạy thầy còn biên soạn sách…”, chị Trang Thư kể lại.
    “Sẽ là thiếu sót lớn nếu không trân trọng nhắc đến cố Hiệu trưởng Nguyễn Thị Bội Quỳnh. Tôi mang ơn Cô Bội Quỳnh nhiều lắm…”, chị Trang Thư bồi hồi nói.

    Thời bấy giờ, lớp học chưa mở vào ban ngày mà bắt đầu vào chiều tối. Mỗi buổi học điểm danh hai lần: vào đầu giờ, và sau giờ ra chơi vào lớp lại điểm danh. Nội quy trường rất nghiêm khắc: nếu ai “lủng lỗ” (vắng mặt trong lúc điểm danh) đến 5 lần trong một tháng sẽ bị đuổi học. Chẳng may Trang Thư phạm quy. Hồi hộp, lo sợ trước viễn cảnh bỏ dở học hành, Trang Thư xin gặp Cô Bội Quỳnh để trình bày cho tỏ tưởng. Do bấy giờ Trang Thư vừa đi học vừa đi làm bên Vietravel, gặp những lúc đưa đoàn khách đi ăn ở quán xá này nọ, sau đó Thư nhanh chân chạy đến lớp học, và đến giờ ra chơi thì vội vàng đến quán để đón khách đưa về khách sạn, rồi quày quã trở lại lớp học. Bất đắc dĩ … lọt vào danh sách “lủng lỗ”.

    “May quá, cô Bội Quỳnh đặc cách cho học tiếp tục với điều kiện là đối với những môn bị “lủng lỗ” thì phải học đạt điểm cao. Nếu điểm thấp thì… nghỉ học”, chị Trang Thư kể lại. “Không nhờ sự thấu hiểu của Cô thì tôi đã không có được nghề hướng dẫn viên du lịch mà góp mặt với đời cho đến nay!”.

    Chị Trần Thị Trang Thư tại Phố Cổ Sannomachi  TAKAYAMA

    Tai không nghe, mắt không thấy, chân không đi thì trí không nhớ”

    Mô hình đào tạo của trường Du lịch Sài Gòn, được gầy dựng từ thời Cô Bội Quỳnh, đặt trọng tâm vào việc kết hợp giữa lý thuyết với thực tiễn. Những chuyến đi dã ngoại đem lại cho người học hàm lượng tri thức sinh động, sát với thực tế…

    Cực lắm, chị Trang Thư nhớ lại, mỗi ngày khởi hành từ 6g sáng sớm, ăn sáng ngay trên đường, ròng rã qua nhiều nơi, cho đến 19g tối mịt mới trở về phòng nghỉ. Một tiếng sau, lúc 20g, các học viên phải gò lưng viết báo cáo về tuyến điểm đã khảo sát trong ngày, viết thật sạch sẽ, sau đó còn phải dịch ra thứ tiếng mà học viên theo học (Nhật, Đức, Pháp, Hoa).
    Tinh thần hòa đồng được nêu cao và buộc các học viên tuân theo từ ăn ở cho đến phương tiện đi lại. Ở thì nhà nghỉ, đi tàu xe thì ngồi ghế cứng. Chi phí tối thiểu, trong khi hiệu quả đạt tối đa. Một số học viên chịu không xiết, than thở… để rồi nhận được sự phân tích từ cô Bội Quỳnh: “Không chịu cực nổi thì không làm được nghề này!”.
    Ngày ấy, mỗi lần đi thực tập tour, cô Bội Quỳnh không cho phép xảy ra quan hệ yêu đương giữa các học viên. “Có một cặp yêu nhau khi đi tour đã bị Cô cho nghỉ học. Chúng tôi không khỏi nhăn mặt, cho rằng cô quá… hà khắc”, chị Trang Thư nói, “Sau này, khi tôi làm mẹ tôi mới thấm thía những nỗi lo lắng của Cô Bội Quỳnh”.

    Chưa hiểu thì gọi “hà khắc thái quá”, đến khi hiểu ra thì gọi “nghiêm khắc đúng mức”. Để học hành cho đàng hoàng.

    “Chân không đi, tai không nghe, mắt không thấy thì không nhớ, không biết gì”, đây là phương pháp thực tập bổ ích. Đi, phát hiện, và ghi chép. Chị Trang Thư cho biết, “Ngay đến hiện nay, trong những lần dẫn khách đi tour, tôi vẫn còn sử dụng những “memo” mà trước đây tôi được học với cô Bội Quỳnh…”.

    Chạm vào hơi thở của người xưa”

    Miệt mài 25 năm làm việc chỉ duy nhất cho một công ty (Vietravel), với sở học từ ngôi trường duy nhất (nay là Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn). Và, chỉ làm một nghề hướng dẫn viên chuyên trách inbound đối với khách Nhật đến VN, và outbound dẫn khách tham quan nước Nhật (sau này có thêm outbound tham quan Hàn Quốc).

    “Tôi nhớ lại, lúc tôi có em bé, phải ở nhà chăm sóc con nhỏ, lúc đó tôi đau đáu nhớ nghề lắm, nhớ cái micro dùng để thuyết minh…”, chị Trang Thư mỉm cười.

    25 năm chung thủy với nghề, thoạt nhìn tưởng dễ. Có những kinh nghiệm phải mua bằng nước mắt. “Không đặt chữ Nhẫn để dặn lòng thì khó mà lâu bền”, Trang Thư chia sẻ.

    Ồ, có mấy ai kiên tâm đeo đuổi một ngành nghề nếu chỉ có nước mắt. Tất nhiên rồi, có nụ cười nữa chứ, rất nhiều! Nụ cười của hạnh phúc. Rất nhiều lúc đứng thuyết minh cho khách trên xe, dù đến giờ nghỉ ngơi nhưng khách không chịu ngủ mà dỏng tai lên để nghe, chỉ vậy thôi là biết mình thành công. “Điều đó làm cho tôi hạnh phúc…”, chị Trang Thư kể. Hạnh phúc được lắng nghe, thật tuyệt!

    Làm nghề hướng dẫn viên buộc phải tìm tòi không ngừng. Lắm lúc do bị khách “bắt bí”, không giải đáp được, nhưng… “trong rủi có may”, nhờ “bắt bí” mà hướng dẫn viên có dịp mở rộng được nhiều đề tài để thuyết minh, Chẳng khách nào đi tour chịu lắng nghe nếu hướng dẫn viên nói đi nói lại những điều cũ rích.

    Chùa Vàng Kinkakuj. Một địa điểm tham quan nổi tiếng của Nhật Bản

    “Tôi nghĩ, cái nghề hướng dẫn viên giúp mình tự làm mới không ngừng”, Trang Thư nói. Và chị kể một câu chuyện khi dẫn khách tham quan một cổ tự bên Nhật Bản. Nơi ngôi chùa ấy, trong một lần dạo quanh, Trang Thư chú ý đến những vết lõm, vết hằn trên các phiến gỗ. Hóa ra, khi hỏi han người dân địa phương, có cả một lịch sử ẩn đàng sau vết hằn… Ngày xưa, khi nam nhân lên đường chinh chiến, ở nhà các người vợ thường đến chùa, theo tập tục họ đi vòng quanh chùa 108 lần để lời nguyện cầu được linh nghiệm. Bàn tay họ vịn theo những phiến gỗ để bước đi, ngày qua ngày, năm qua năm .. thành những vết hằn, vết lõm.

    “Tôi chạm tay lên những vết hằn, ngay lúc ấy tôi cảm nhận mình như chạm vào hơi thở của người xưa”, Trang Thư bồi hồi kể lại.

    Trong hành trình khám phá nước Nhật, du khách được dẫn đến các thắng cảnh nổi tiếng như Thanh Thủy tự (Kyomizu), Kim Các tự (Kinkaku-ji), vườn đá Kairakuen Ibaraki, phố cổ Sannomachi Takayama, làng cổ Shirakawa… Dấu ấn cho một hành trình, biết đâu lại nằm ở những vết lõm trên phiến gỗ xưa? Đó là một khám phá. Rất nhân văn. Khám phá này, đồng thời là niềm hạnh phúc, trước hết dành cho chính hướng dẫn viên: Trần Thị Trang Thư. Và, sau đó, chuyển tải thông điệp thầm lặng ấy cho du khách. ./.